Thị trường dịch vụ làm bằng cấp giả 7 tỷ USD tại Mỹ

Thị trường bằng giả 7 tỷ USD tại Mỹ: Bằng cấp tràn lan như tờ giấy lộn, không có cơ quan kiểm soát, nhiều trường đại học lập nên chỉ để bán chứng chỉ

Vào tháng 1/2023, Bộ tư pháp Mỹ đã kết án một vụ lừa đảo với 25 nghi phạm làm giả hồ sơ y tá cho 7.600 người tại Southern Florida, tổng trị giá của vụ việc lên đến 114 triệu USD.

Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm tại Mỹ khi nạn bằng cấp giả tràn lan và chẳng ai kiểm chứng được. Ví dụ như vụ việc bằng y tá giả ở trên, tờ Forbes cho biết có vô số những cá nhân chẳng có kinh nghiệm gì trong mảng chăm sóc sức khỏe nhưng lại dùng bằng giả để làm việc từ trại dưỡng lão ở Texas cho đến các cơ sở y tế ở New Jersey.

Mới đây, Cục Cựu chiến binh Mỹ (DVA) đã phải loại bỏ 89 y tá có bằng cấp giả ra khỏi chương trình chăm sóc bệnh nhân của mình sau một chiến dịch điều tra mang tên “Họa Mi” (Operation Nightingale). May mắn thay, chưa có trường hợp bệnh nhân nào thiệt mạng hay bị nguy hại đến sức khỏe vì các y tá rởm.

Không dừng lại ở đó, hàng loạt các bang cũng rà soát và phát hiện vô số trường hợp y tá giả như Delaware có 26 vụ, Georgia có 22 vụ còn Washington đang điều tra 150 trường hợp nghi ngờ dùng bằng cấp y tá giả.

Thị trường 7 tỷ USD

Vụ việc nghị sĩ George Santos gần đây thừa nhận đã nói dối về lý lịch của mình trên truyền thông đã kích nổ sự phẫn nộ của công chúng về nạn bằng giả. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2022 của Standout CV, gần ¼ số lao động được hỏi cho biết đã có hành vi gian dối về trình độ và bằng cấp.

Tồi tệ hơn, khi những chatbot bằng trí thông minh nhân tạo (AI) như ChatGPT ngày càng phổ biến thì việc lừa dối qua các kỳ thi để lấy bằng cấp giả lại càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Bằng cấp giả tại mỹ
Cơ chế quản lý lỏng lẻo đang biến những tấm bằng đại học của Mỹ thành tờ giấy lộn.

Trong cuốn “Fake Degrees and Fraudulent Credentials in Higher Education” của 3 tác giả người Canada có chỉ rõ việc giới học thuật Mỹ không quan tâm quá nhiều đến nạn bằng giả, thay vào đó họ chỉ chú ý đến việc sao chép hay gian lận trong kỳ thi.

Cũng trong cuốn sách này, cựu đặc vụ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông Allen Ezell với 65 tấm bằng đại học và chỉ 1 trong số đó là thật, đã tiết lộ rằng việc làm bằng giả ở Mỹ rất dễ dàng. Tất nhiên những tấm bằng giả này của ông Ezell là để phục vụ mục đích công việc.

Vị cựu đặc vụ này đã có 11 năm hoạt động trong dự án truy quét bằng giả (DipScam) của FBI trước khi nghỉ hưu vào năm 1991 để tham gia đội chống lừa đảo của một ngân hàng lớn.

Theo cựu đặc vụ Ezell, thị trường bằng đại học giả hiện nay có tổng doanh thu hàng năm lên đến 7 tỷ USD, trong đó Mỹ và Trung Đông là những khu vực có hoạt động tấp nập nhất. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 1 tỷ USD năm 2004 và nguyên nhân chính là do sự bùng nổ của Internet, các chương trình học trực tuyến, đại dịch Covid-19.

Với danh tiếng nền giáo dục Mỹ, thị trường này trở thành miếng bánh béo bở cho giới làm bằng giả, nhất là với sự tự do về học tập cũng như thiếu kiểm tra bằng cấp. Nghị viện Mỹ đã được thông báo về tình trạng này trong nhiều thập niên nhưng chẳng có chính trị gia nào thực sự quan tâm đến vấn đề này vì nó không đem lại nhiều phiếu bầu. Bởi vậy chẳng có một bộ luật nào thực sự được ban hành để siết chặt quản lý.

“Chúng ta đang ở một thời đại mà bằng cấp có ý nghĩa rất nhiều. Vô số công việc khó có thể được nhận nếu không có một hay thậm chí nhiều bằng cấp. Điều trớ trêu là các công ty thường chẳng mấy khi kiểm tra chặt chẽ độ xác thực của các tấm bằng, thay vào đó họ chỉ nhìn kết quả công việc”, giáo sư Sarah Eaton của trường đại học Calgary ngán ngẩm.

Lý giải cho vấn nạn này thì 1 phần là do tình trạng chênh lệch tiền lương theo bằng cấp tại Mỹ nên buộc lòng người dân chạy theo nhu cầu thị trường.

Bằng cấp như tờ giấy lộn tại Mỹ

Theo giáo sư Eaton, việc lên một danh sách đen về những trường hay tổ chức thường làm giả bằng cấp là không thể khi những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng đổi tên miền, ID và các thông tin để thoát khỏi danh sách.

Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều trường học tại Mỹ được dựng lên để bán bằng hoặc cung cấp những tấm bằng giả này vì lợi nhuận. Nhiều trường đại học ít danh tiếng, chất lượng kém thậm chí chẳng quan tâm xem sinh viên của họ tốt nghiệp xong làm việc gì, bằng cấp của họ có bị dùng sai trái hay không.

Cựu đặc vụ Ezell cho biết tại Mỹ có vô số trường đại học chẳng có cơ sở vật chất gì mà chỉ tồn tại trên mạng, qua đó thu tiền của những khách hàng có nhu cầu. Ngay cả 64 tấm bằng giả của Ezell, bao gồm từ bằng đại học cho đến thạc sĩ, tiến sĩ cũng đều là trả tiền mà có chứ chẳng cần phải trải qua kỳ thi nào.

Lần duy nhất mà Ezell phải tốn công sức là một tấm bằng thạc sĩ cần 4 trang giấy luận văn mà hiện ông có thể dễ dàng dùng ChatGPT để hoàn thiện, bởi nơi bán bằng cũng chẳng thèm quan tâm bài luận văn đó thế nào miễn là đóng đủ tiền.

Trong giai đoạn còn hoạt động ở DipScam-FBI, Ezell cho biết họ đã điều tra khoảng 80 nghi phạm bằng giả, bắt giữ hơn 40 trong số đó và phát hiện 21 trường hợp vi phạm.

Vị cựu đặc vụ này còn nhớ như in lần đầu tra đầu tiên năm 1980 khi cơ sở cung cấp nó chỉ là một căn nhà nhỏ với 2 phòng ngủ. Ezell khi đó đã mua tấm bằng giả để “mồi” chủ cơ sở mời họ đến nhà thăm quan dây chuyền sản xuất, từ việc làm giả hồ sơ sinh viên, đến các con dấu…

Khi đội đặc nhiệm FBI đột kích vào cơ sở này thì gã chủ cơ sở đã tự sát. Theo điều tra, khoảng 171 trong 620 trường hợp mua bằng giả của cơ sở này đã được tuyển dụng vào các cơ quan chức năng, từ liên bang cho đến địa phương tại miền Đông Nam Mỹ. Đây là minh chức rõ ràng nhất về cơ chế quản lý lỏng lẻo bằng cấp, khiến những tấm bằng của Mỹ chẳng khác gì tờ giấy lộn.

Tống tiền với bằng cấp không có giá trị thực

Câu chuyện năm 1980 của Ezell chỉ là một phần nhỏ khi cựu đặc vụ này cho biết chiến dịch điều tra Axact, một tổ chức 25 năm tuổi ở Pakistan mới là vụ lớn nhất. Điều tra cho thấy tổ chức này làm giả mọi bằng cấp mà khách hàng muốn, từ cử nhân cho đến giáo sư. Dù tổ chức này bị chính quyền Mỹ cáo buộc và liệt vào danh sách tội phạm năm 2015 nhưng chúng vẫn hoạt động tại Pakistan.

Năm 2016, một chi nhánh của Axact bị triệt phá tại Mỹ và các công tố viên cho biết tổ chức này đã thu đến 140 triệu USD từ hàng chục nghìn khách hàng thông qua các tài khoản ngân hàng ở Mỹ.

Theo Ezell, cho đến hiện tại thì tổ chức này vẫn hoạt động trên Internet với vô số vỏ bọc. Thậm chí, nhân viên của Axact còn tống tiền ngược lại khách hàng của mình, yêu cầu phải trả tiền nếu không muốn bị lộ chuyện mua bằng giả.

“Bạn đã tiết lộ mọi thông tin cho chúng và đương nhiên trở thành con mồi béo bở để bị tống tiền, đe dọa hoặc đối mặt với việc bị mất danh dự, bắt giữ hoặc thậm chí là tự sát. Chúng tôi đã chứng kiến có trường hợp nạn nhân phải trả tới 1,4 triệu USD để Axact giữ im lặng”, ông Ezell nói.

Lỗ hổng pháp lý

Tại Mỹ, bằng cấp y tá cần trải qua giai đoạn thực tập và kiểm tra gắt gao, nhưng quy định lại có một lỗ thủng cực kỳ lớn. Hiện 36 bang tại Mỹ chấp nhận bằng cấp y tá của bang khác.

Ví dụ Maryland không có trường tư nhân nhưng chấp nhận sinh viên tốt nghiệp trường tư của bang khác. Hậu quả là năm 2018, có 111 trường hợp lấy bằng giả tại Virginia được cấp phép hoạt động y tá ở Maryland trước khi bị phát hiện.

Theo Forbes, cô Johannah Napoleon đã mua lại trường y tá tư nhân Palm Beach School of Nursing vào năm 2016 nhưng chính quyền bang Florida đã quyết định đóng cửa nó vào năm 2017 do có quá ít sinh viên tại đây vượt qua được bài kiểm tra tốt nghiệp toàn bang. Dẫu vậy, họ vẫn cho ngôi trường hoạt động đến năm 2019 để tạo điều kiện cho những sinh viên còn đang theo học dở.

Lợi dụng lỗ hổng này, Napoleon đã bán hồ sơ sinh viên y tá giả với mức giá 10.000-17.000 USD tùy loại. Lời khai của Napoleon sau khi bị bắt cho thấy cơ sở này đã thu được ít nhất 3,2 triệu USD tiền bán những hồ sơ giả này.

*Nguồn: Forbes

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *